Ô nhiễm đất đô thị - Nguy cơ từ TP.HCM

Tài nguyên đất ở TP.HCM đa dạng và phong phú với nhiều nhóm đất chủ yếu: đất cát biển, đất mặn (ở Cần Giờ); đất phèn phân bố chủ yếu ở vùng trũng: nam Bình Chánh, Nhà Bè, ven sông Đồng Nai, bắc Cần Giờ; đất phù sa, đất xám và đất đỏ (ở Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức). Từ trước đến nay, người ta thường quan tâm nhiều đến khía cạnh KT – XH của tài nguyên đất mà ít đề cập hơn đến khía cạnh ô nhiễm và suy thoái đất, cũng như một số ảnh hưởng có thể của đất hoang hóa.



(Môi trường đất đang bi ô nhiễm)

 

Ô nhiễm đất chính là việc đưa vào môi trường đất các thành phần có hại đối với sự sống của cộng đồng và hệ sinh vật. Trong đó, có hai nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là tự nhiên và nhân tạo. Đối với nguồn ô nhiễm tự nhiên đa số là do xâm nhập mặn chủ yếu từ nước biển và nhiễm phèn hoặc là do nước mưa lôi kéo các chất bẩn bề mặt thấm qua lớp đất... Còn nguồn ô nhiễm nhân tạo chủ yếu do hoạt động của con người đang là vấn đề đáng được quan tâm. Thành phố hầu như chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên được thải trực tiếp ra nguồn tiếp nhận, kênh rạch và sông ngòi, từ đó gây ô nhiễm nước, đồng thời cùng tác động đến ô nhiễm đất. Thời gian qua, thành phố cũng quan tâm nhiều đến vấn đề ô nhiễm công nghiệp, đã có những chỉ đạo cụ thể triển khai công trình sản xuất sạch hơn, xử lý các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm trầm trọng và xử lý cuối đường ống; đồng thời, đưa ra chính sách khuyến khích và ưu đãi DN vay vốn để triển khai. Tuy nhiên, vấn đề cải thiện môi trường do hoạt động công nghiệp còn hạn chế nên vẫn có tác động lớn đến ô nhiễm môi trường nước và đất. Ngoài ra, ô nhiễm đất còn do các chất thải nông nghiệp, nhất là việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; do khai thác nước ngầm thiếu quy hoạch, không kiểm soát, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn, lún sụt đất; do khai thác đất, cát trái phép và không kiểm soát nổi, gây sạt lở đất và ảnh hưởng lớn đến dòng chảy; do sự cố tràn dầu có khả năng gây ô nhiễm nước, đất trầm trọng, đáng lưu ý vụ chìm tàu Gemini (1996) 72 tấn dầu thô... Ngoài ra, ô nhiễm đất còn do bụi và khí thải sinh ra từ quá trình đốt nhiên liệu trong công nghiệp, bay trong không khí sau đó ngưng tụ và quay trở lại mặt đất; do nước thải các chất hữu cơ, chất tẩy rửa, nước thải bệnh viện, các kim loại nặng, hóa chất nguy hại, dầu mỡ; do chất thải rắn, nhất là nước rỉ của các bãi rác chôn lấp ở ngoại thành...

 

Việc bảo vệ đất chưa sử dụng như thế nào cũng là một vần đề rất đáng được quan tâm. Năm 2006, toàn thành phố có 1.806,15 ha đất chưa sử dụng theo kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2006 - 2010 thì diện tích đất chưa sử dụng sẽ giảm dần và đến năm 2010 còn 930 ha. Như vậy, thành phố cố gắng hết sức để đất chưa sử dụng không trở thành hoang hóa. Bởi cũng như ô nhiễm đất, đất hoang hóa cũng đưa đến các hậu quả môi trường đáng ngại như gây tác hại lớn cho môi trường sinh thái; suy thoái về chất lượng đất, mất mát dinh dưỡng trong đất; tăng ô nhiễm do người dân không có ý thức coi đó là bãi đổ chất thải, phát sinh nhiều sinh vật có hại: chuột, ruồi, muỗi và gây phức tạp về mặt xã hội.

 

Do đó, việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất hợp lý trong khu vực đô thị hóa của TP.HCM có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá đối với TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, nhất là khi dân số có xu hướng tăng cao mà quỹ đất lại có hạn. Bài toán đặt ra là quản lý và sử dụng đất có hiệu quả thiết thực, không để đất bị ô nhiễm, suy thoái và tác động xấu đến môi trường cần được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước... cũng góp phần đáng kể để chống ô nhiễm và suy thoái đất TP.HCM.

 

GS.TS Lâm Minh Triết

 

 

Các tin khác